Châu Á Săn voi

Tại Thái Lan

Thái Lan là quốc gia có nạn buôn bán trái phép ngà voi lớn. Quốc gia Đông Nam Á này là một trong những nước liên tục thất bại trong việc giải quyết tình hình buôn bán ngà voi tràn lan, bất chấp quy định cấm buôn bán ngà voi của Công ước CITES. Một trong những thị trường ngà voi chưa được quy định kiểm soát lớn nhất thế giới là Thái Lan. Tại đây, bọn tội phạm lợi dụng luật pháp Thái Lan cho phép việc bán ngà voi nội địa để trà trộn một lượng lớn ngà voi bất hợp pháp từ châu Phi qua các cửa hàng tại Thái Lan. Phần lớn lượng ngà voi này do du khách nước ngoài mua. Nhu cầu về ngà voi tăng cao khiến nạn săn trộm ngày càng trở nên phổ biến.

Trước đây bọn săn trộm thường chỉ lấy ngà của voi. Trên chợ đen Thái Lan một cặp ngà voi được bán với giá vài nghìn USD. Hoạt động buôn bán thịt voi gia tăng thêm sự nguy khốn cho đàn voi, bởi nó có thể khiến số lượng voi bị giết tăng gấp nhiều lần so với việc lấy ngà. Săn bắt voi là hành vi bị cấm tại Thái Lan. Buôn bán, vận chuyển hoặc sở hữu các bộ phận của voi bị săn trộm cũng là hành vi phạm pháp. Tuy nhiên, người ta vẫn bí mật buôn bán ngà voi, thậm chí nhiều kẻ còn bắt voi con để bán cho các rạp xiếc. Tình hình săn bắt voi hiện nay đã tới mức báo động[12].

Chính phủ Thái Lan từng tăng cường những nỗ lực để ngăn chặn tình trạng buôn bán ngà voi bất hợp pháp như thay đổi các điều luật và các biện pháp mạnh tay trấn áp. Tuy nhiên luật pháp Thái Lan cho phép người dân mua, bán ngà từ những con voi sống trong môi trường nuôi nhốt. Những tổ chức tội phạm lợi dụng luật để bán những ngà voi bất hợp pháp từ châu Phi trà trộn vào. Tình trạng này khiến nạn săn voi lên tới đỉnh điểm và hàng chục nghìn con voi bị sát hại mỗi năm. Hiện nay Thái Lan là thị trường ngà voi bất hợp pháp lớn thứ hai châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Du khách nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số những người thường xuyên mua các sản phẩm từ ngà. Thái Lan cam kết thực thi những biện pháp chặt chẽ hơn để ngăn chặn việc đưa ngà voi bất hợp pháp vào Thái Lan, đồng thời đảm bảo rằng nguồn cung ngà trong nước tới từ những con voi được thuần hóa.

Tại Việt Nam

Tại Vườn quốc gia Yok Đôn (Buôn Đôn, Đắk Lắk) có báo cáo về việc có hai con voi chết tại tiểu khu 257, thuộc lâm phần vườn quốc gia. Trong đàn voi này có hai con voi đực, trong đó con voi đực bị giết là con voi đực có ngà duy nhất. Voi đực có chiều dài 3,7m, cao 2,5m; đầu đã bị đục tung để lấy ngà và hộp sọ, vòi bị cắt đứt rời. Voi cái dài 3,2m, cao 2,42m thân thể vẫn còn nguyên vẹn. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, cặp voi bị chết do tác động của ngoại lực bên ngoài, không phải chết tự nhiên. Sau đó tại tiểu khu 453 thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn -Đắk Lắk, các cơ quan chức năng đã phát hiện một con voi rừng bị một chiếc bẫy cặp kẹp vào vòi, một chân voi bị bẫy thòng lọng bằng cáp siết chặt. Các vết thương bắt đầu bị hoại tử, bốc mùi hôi thối. Đây là con voi đực trưởng thành, khoảng 6–7 tuổi, có cặp ngà dài khoảng 30 cm[13]

Ở Việt Nam, từng có vụ việc một con voi 4 tấn bị xẻ thịt ở Quảng Bình. Con voi cái trưởng thành bị chết và xẻ thịt ở vùng rừng thuộc huyện Minh Hóa. Xác của nó được một người ở xã Cao Quảng huyện Minh Hóa phát hiện chiều ngày 3 tháng 4 năm 2013. Voi bị lột da thành nhiều mảnh, hai chân bị cắt và đầu bị lấy đi mất. Voi chết trong rừng, lại bị người dân xẻ thịt nên chưa thể xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết của voi. Có chiều dài thân là 3,2 mét, bề ngang 1,3 mét và cao 1,3 mét, nặng khoảng 4 tấn, voi chết trong tư thế nằm úp, bị lột hết da và cắt các bộ phận như vòi, mắt, đuôi, tai. Đây là con voi hoang dã cuối cùng ở tỉnh Quảng Bình[14].

Ở Tây Nguyên

Trong các dân tộc ở Tây Nguyên, người M’Nông nổi tiếng có nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Đối với họ, voi không chỉ là một tài sản lớn của gia đình, mà có vị trí quan trong đời sống vật chất, văn hoá tinh thần, được coi như một thành viên trong cộng đồng. Bởi vậy mọi việc diễn ra xung quanh đời sống của voi đều tuân theo tục lệ truyền thống của người M’Nông, nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của người M’Nông do ông Y Thu K’Nul (1827-1937) còn gọi là Khusanup ở Buôn Đôn gây dựng nên. Theo tác giả Blazé thì voi ở Đông Dương được săn bắt bằng ba cách: Xiêm và Lào thì dùng cách đóng một vòng rào bằng cây gỗ chắc chắn rồi lùa voi rừng vào nhốt lại. Cao Miên nhất là ở vùng Kompong Thom thì có lệ săn bắt voi vào mùa nước lớn, lùa voi bằng xuồng. Thợ săn dùng giáo nhọn đâm lùa voi. Cách này nguy hiểm hơn cả vì voi đau có thể tấn công, làm lật xuồng. Ở Việt Nam thì dùng thòng lọng để bắt voi.

Voi ở Bản Đôn

Nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng gắn bó với người dân tộc bản địa M’Nông. Người M’Nông có kinh nghiệm lâu đời về săn bắt voi, từ việc đào hố hay vây bắt trực tiếp. Nghề thuần dưỡng voi rừng của người M’Nông gồm 2 bước chủ yếu: bắt voi rừng và thuần dưỡng, trong đó, bắt voi là khâu quan trọng. Nó chẳng những cung cấp voi để thuần dưỡng mà còn có thể bán ngay cho vườn thú, rạp xiếc hoặc xuất khẩu. Bản Đôn hay tên gọi khác là Buôn Đôn được biết đến là nơi săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Hiện nay săn bắt voi đã bị cấm, nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng tại làng nghề Bản Đôn chỉ còn trong ký ức của người dân. Tuy nhiên, tại bản vẫn còn lưu giữ được nhiều công cụ săn bắt voi của các Gru xưa. Những tập tục, phong tục kiêng cữ khi săn voi vẫn còn được lưu giữ.[15].

Trước đây, để săn bắt voi rừng, người M’Nông sử dụng 5-6 con voi nhà và khoảng gần 10 người có kinh nghiệm do một thủ lĩnh có bản lĩnh đứng đầu. Người săn voi sử dụng những con voi nhà dũng mãnh vây ép đàn voi, quăng dây thòng lọng và chỉ bắt voi con từ 2-4 năm tuổi vì những chú voi con ở độ tuổi này mới dễ thuần dưỡng. Dưới 2 tuổi voi còn quá non cần có voi mẹ dẫn dắt, nếu bắt đi, phải tách mẹ quá sớm voi con dễ bị chết. Voi trên 5 tuổi đã hình thành tính cách, khó thuần dưỡng. Khi đã săn bắt được voi rừng con, người ta đem về cho các thợ thuần dưỡng có nhiều kinh nghiệm thu phục chúng. Thời gian thuần dưỡng voi có thể kéo dài 5–7 tháng, con nào khó tính có khi kéo dài vài năm. Khi voi con đã thuần phục biết nghe mệnh lệnh thì voi mới được đưa về Buôn. Cả Buôn làng làm lễ nhập Buôn cho voi[16]. Các thợ săn bằng kinh nghiệm săn bắt lâu đời sẽ phân biệt được lứa tuổi của voi.

Theo nghi thức cổ xưa, một đội săn phải có 10 voi chiến, 20 người cả nài chính (gru), phụ (rmăk) và người chỉ huy. Các con voi tham gia săn bắt đều là voi đực khoẻ trên 35 tuổi, chủ yếu là giống voi đực sung sức, thiện chiến nhất tuổi khoảng 40 hoặc ngoài 40 (voi cái ít khi dược sử dụng). Yếu tố quan trọng không kém là số voi này không bị động đực, trường hợp không đủ voi đực có thể chọn voi cái nhưng phải đảm bảo sung mãn sức khỏe, không nhút nhát. Đội hình này chia thành 3 nhóm: Nhóm tấn công, nhóm kiềm chế và nhóm đuổi bắt voi. Mỗi nhóm có 3 đến năm con mỗi voi có hai người điều khiển. Người thợ chính gọi là Gru, người phụ gọi là R’măk. Gru là một thủ lĩnh có nhiều bản lĩnh, kinh nghiệm săn bắt voi rừng, khả năng phán đoán tình huống chính xác từ các dấu chân voi, biết được đàn voi bao nhiêu đực hay cái.

Bộ đồ nghề săn voi

Phương tiện cho đội săn bắt voi gồm nhiều loại dây chuyên dụng. Dây dùng cho việc săn voi hoàn toàn làm bằng chất liệu da trâu, dài hàng trăm mét, cuộn lại từng bó to tròn. Thông thường một con trâu có thể lấy được 40-50m/1 con, ngoài ra còn hơn 20 công cụ khác. Phương tiện cho đội săn voi gồm có gậy điều khiển (kreo) búa tốc độ hay búa tăng tốc (kuc/Kôk) khoá chân (n'glêng kiêng jơng), dây buộc (khôn), dây tròng (rse brăt), dây dẫn (brăt bung), dây treo (tur) dây bảo hiểm (rse n’dao), sào điều khiển có thòng lọng (Nong long gor), tù và (A Nưng), N’ tâu bek (tấm da trâu), Ng’gan (bộ dây định vị nhôn (dây dắt voi về), Dam lole (vòng chông khoá cổ chữ V), Plai mat nhon (chốt xoay), Nơ keng (vòng khoá chân), Lekoter (sào)… tất cả 17 thứ dụng cụ.

Bồ đồ nghề của vua săn voi Ama Kông gồm 20 dụng cụ, như Plei Mat - Mac Kađiêk (tiếng Bơ Nong - tiếng Lào): roi củ mây; Dur - Ka Đôn: tấm đệm lưng voi để đặt bành voi làm bằng vỏ cây lộc vừng đập dập; Tâo Bek - Nẵng Bek: tấm phản làm bằng da trâu khô để Gru trải ngủ trong chuyến đi bắt voi, Ng’Gân - Phan Hẵng: dây ràng quanh thân voi... Ngoài ra còn có Prăt Bung - Nẵng Khoọng: dây da trâu dùng vào việc bắt voi rừng; Kok - Mak Ngok: búa gỗ để điều khiển voi trong cuộc săn bắt... Miếng da trâu rừng trong bộ đồ nghề. Vật dụng chính trong các chuyến săn voi xưa có trên 20 loại dụng cụ, trong đó chủ yếu là các sợi dây da trâu, dùi sắt, sào tre nhọn, áo quần bảo vệ.

Bộ dụng cụ săn bắt và thuần dưỡng voi rừng là vật dụng quý giá của các gru- thợ săn. Bản thân các vật dụng này chứa đựng nhiều chuyện kỳ thú về các cuộc hành trình chinh phục voi rừng. Với những nguyên vật liệu sẵn có từ núi rừng, qua nhiều đời tích lũy, đồng bào đã cho ra đời những dụng cụ phục vụ cho nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng hết sức hiệu quả. Nếu tính đầy đủ, người M’nông có đến 17 dụng cụ khác nhau, nhưng quan trọng nhất là dây buộc voi bằng da trâu (brăt bung). Các dụng cụ đều được phối hợp sử dụng một cách nhịp nhàng, ăn ý, hỗ trợ nhau tạo ra hiệu quả cao cho người thợ săn.

Trong bộ dụng cụ ấy, dây brăt bung là quan trọng nhất. Nó được chuẩn bị rất kỳ công, thường là vài năm trước khi được sử dụng để săn bắt voi rừng. người M’nông để dành lại bộ da trâu. Sau khi phơi khô vài nắng, người ta dùng con dao thật bén để cắt vòng quanh miếng da trâu, biến nó thành một sợi dây dài từ 50 đến 80m. Sợi dây da trâu được căng ra cho thẳng và xe xoay về một bên theo chiều tay phải.Khi da trâu đã được xe tròn, người ta kéo căng ra phơi nắng cho thật khô rồi để dành. Đợi đến khi nào tích lũy đủ được từ ba bốn sợi, người ta sẽ xe chung thành một sợi thật chắc chắn.Dây buộc voi và dùi móc điều khiển voi - dụng cụ chính của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.

Sợi dây da trâu dùng để buộc voi nhà vào gốc cây trong quá trình chăn giữ. Về sau, để bảo đảm hơn, đồng bào thay dây da trâu bằng dây xích sắt dài cả chục mét để buộc voi. Tuy nhiên, khi đi săn voi, đồng bào không mang theo sợi dây xích mà chỉ mang vài cuộn dây da trâu. Lúc vào rừng săn voi, sợi dây da trâu được khoanh tròn đặt trên lưng voi nhà, ngay sau lưng thợ săn voi. Cuộn dây được nối với dây tròng dùng để bắt voi con. Dụng cụ săn bắt voi là tài sản quý giá của mỗi gia đình, được cất giữ cẩn thận và luôn tu bổ, sắm sửa thêm sau mỗi mùa săn voi[17]

Một quản tượng người Mnong

Lương thực, thực phẩm mọi thứ đều do các gia đình thành viên trong tổ tự nguyện đóng góp. Muốn tổ chức một cuộc săn voi các tay săn phải hoạch định trước nhiều ngày để chuẩn bị các nghi lễ cúng bái và lương thực mang theo. Lương thực và các dụng cụ thiết yếu cho chuyến đi là: gạo, mắm muối, nến và đuốc để thắp sáng, đồ dùng đun nấu, chài lưới để đánh bắt cá cải thiện cho chuyến đi dài ngày băng rừng vượt suối. Khi chuẩn bị lên đường săn voi, người ta tập trung voi tại trước nhà “đội trưởng” thợ săn để cúng. Nghi lễ thứ nhất được thực hiện trước khi xuất phát một ngày. Đây là lễ cúng mang tính chất giao ước với thần linh và linh hồn của những người đã khuất nên không có sự áp đặt quy mô lễ tế theo khuôn phép nhất định.

Lễ cúng thường là một con heo hoặc một con gà và ché rượu cần. Khi công việc đã được chuẩn bị hoàn tất, nghi lễ thứ hai và là cũng nghi lễ cuối cùng được thực hiện trước lúc lên đường. Nghi lễ cúng bái này rất đơn giản gồm: 1 ché rượu nhỏ (tượng trưng cho sự no đủ), 2 viên than củi quấn bông gòn (tượng trưng sự phù hộ núi rừng) và một cây nến cắm trong chén gạo (tượng trưng sự soi đường chỉ lối). Trong lúc cúng, họ cầu khẩn thần linh rắc gạo lên đầu voi 3 lần, rồi lấy gạo trong chén ném vào thân nến (nến cắm trong ché rượu cúng), nếu gạo trúng vào thân nến có nghĩa là chuyến đi gặp nhiều may mắn.

Đi săn voi rừng là công việc gian nan, đối mặt với nhiều mối nguy hiểm nên các thợ săn voi kiêng cử rất nhiều thứ, ví như nhà có người đi săn voi phải treo một cành cây xanh ở trước cửa, ngọn quay xuống dưới đất. Tín hiệu này mang ý nghĩa báo hiệu cho những ai đang có việc kiêng cữ như sinh đẻ, ma chay không được vào để tránh xui xẻo.Trước khi đi săn voi, thợ săn chỉ được ăn cơm với muối, không uống rượu, tránh cãi nhau, kiêng ngủ với vợ, không được tắm bằng xà bông thơm trong suốt 1 tuần. Nếu ai vi phạm điều cấm kỵ sẽ không săn được voi rừng và còn bị Yàng “phạt”, “hành” cho đến chết. Lúc xuất phát, đội săn phải tổ chức nghi lễ cúng báo với tổ tiên bằng một con heo hoặc một con gà và một ché rượu cần để cầu xin Yàng phù hộ gặp nhiều may mắn.

Voi là loài vật sống không định cư một chỗ, tính lang thang đây đó, không trở thành mục tiêu cố định. Nó cũng là loài thú rất thính tai và đánh hơi được rất xa, do vậy, việc tiếp cận được chúng cũng không dễ dàng. Khi đội săn đã bắt gặp đàn voi do trinh sát phát hiện, lập tức sẽ dừng lại, làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Cũng cần nói thêm rằng, một đội săn voi có thể có nhiều thành viên, chủ yếu là những người có voi đực (voi chiến), nhưng trước khi bước vào mùa săn, đội phải tính toán số voi chiến có đủ mạnh để áp đảo voi rừng hay không. Căn cứ bầy voi họ đã thực tế nhìn thấy, tính toán lực lượng chiến đấu, nếu như đội săn thiếu voi chiến, có khi thương lượng để mượn voi chiến của đội khác.

Khi phát hiện ra đàn voi (trong mùa săn có rất nhiều đội săn, nên khi về buôn, người đội trưởng thông báo ngay đàn voi đã gặp để các đội khác biết tránh việc hai đội săn cùng gặp một đàn voi) toàn đội săn được lệnh dừng lại. Các nài phụ (rmăk) chăm lo cho việc ăn uống của voi chiến, các nài chính (gru) sẽ cùng đội trưởng bí mật tiếp cận đàn voi. Đội trưởng phân công nhiệm vụ cho từng người cụ thể: ai đánh, ai kiềm chế và rượt đuổi v.v... Vào lúc rạng đông ngày trăng vơi (cuối tháng) đội quân bắt đầu vào trận - theo lệnh của đội trưởng, các nài điều khiển voi của mình áp sát khu vực có đàn voi đang kiếm ăn. Ngay khi phát hiện đàn voi rừng, Gru ra dấu hiệu bằng cách thổi tù và được làm bằng sừng trâu để dàn đội hình chu đáo, kỹ lưỡng trước khi săn bắt. Khi tín hiệu tù và được nổi lên, năm con voi nhà tốp tấn công chạy lên dùng vòi và ngà húc vào những con voi rừng đực đầu đàn nhằm chia tách đàn riêng lẻ. 5 người thợ săn ngồi trên voi nhà dùng mũi nhọn greo đâm vào đầu, vào vòi, vào chân voi rừng để hỗ trợ voi nhà. Những người khác hò reo, đánh chiêng trống và thổi tù và thật to làm náo loạn cả khu rừng.

Khi phát hiện voi rừng, nài voi nằm sát xuống lưng voi, tay nắm chắc dây chằng, nhanh chóng tiếp cận đàn voi. Khi đó, những thợ săn voi sẽ nằm rạp trên mình voi, lấy dây chằng bụng và bí mật điều khiển voi tiếp cận đàn voi rừng. Chủ phường săn sẽ điều khiển voi chiến của mình cùng hai voi khác tiếp cận voi đầu đàn. Bản năng đánh hơi lạ của voi đã bị vô hiệu hoá, vì con người đã được phơi gió dầm sương suốt cả cuộc hành trình, hơi người toả ra rất ít, hoà lẫn vào hơi voi nhà nên bầy voi rừng không nhận ra được mùi lạ. Voi săn lần lượt được tung vào trận địa. Nài nằm rạp trên mình voi, bám thật chắc lấy dây chằng bụng và bí mật điều khiển voi tiếp cận đối thủ. Giữa lúc đó, đội trưởng điều khiển voi chiến của mình cùng hai voi khác tiếp cận voi đầu đàn. Đây là thời điểm căng thẳng nhất. Nếu lũ voi săn vẫn chưa áp sát vào voi định bắt, nếu xảy ra cuộc chiến lúc này dễ nổi loạn, thậm chí voi mẹ có thể dẫn đàn con chạy mất thì voi nhà trở thành thua cuộc.

Voi rừng tuy khá hiền lành nhưng sẽ trở nên hung dữ khi phát hiện thấy đàn voi lạ xâm phạm vùng đất của mình. Khi con voi đầu đàn phát hiện thấy đàn voi lạ xâm nhập vùng đất của mình, lập tức nó rống lên một tiếng dữ dội rồi vươn vòi lao tới kẻ lạ mặo, lao vào con mạnh nhất để đánh đuổi. Voi nhà cùng voi rừng dùng vòi quật nhau, lôi nhau ra bãi rộng quần thảo nhưng voi rừng vẫn không quên bảo vệ voi con đang nhao nhác bám theo. Lúc này đội săn cũng đang khép dần vòng vây hỗ trợ, tất cả mọi người nhớm dậy trên lưng voi, dùng giáo đâm, dao gạt, khiên mây reo hò hỗ trợ cho voi của mình chiến đấu nhưng họ không bao giờ đâm chết voi rừng.

Các voi chiến dùng ngà lao vào đối phương hoạc dùng vòi đánh voi đực đầu đàn, đúng lúc này voi săn cũng áp sát voi con được chọn đang được voi mẹ che chở. Trận quần thảo quyết liệt hàng giờ đồng hồ, khi voi rừng yếu thế và có dấu hiệu bỏ chạy, lập tức voi nhà bắt đầu một cuộc rượt đuổi đầy hào hứng của một kẻ chiến thắng. Khi voi rừng đầu đầu đàn có dấu hiệu thua trận, chúng gầm rú dữ dội ra hiệu cho cả đàn tháo chạy vào rừng sâu. Khi đàn voi rừng đã tán loạn, những con voi mẹ cái dẫn con nó chạy lon ton - mục tiêu xem như lọt vào tầm ngắm của người Gru. Theo mệnh lệnh của người chỉ huy các ngài có nhiệm vụ chẻ đàn, tách voi con ra khỏi voi mẹ, phối hợp lựa thế đẩy voi rừng phải chạy theo đường khác bằng voi phụ trợ, ba voi chiến vây hãm voi đầu đàn lại để cho voi khác rượt đuổi. Voi con chưa thông thạo đường rừng chỉ quen bám theo bố mẹ giờ chỉ biết chạy không theo đường nào cả.

Thủ lĩnh Gru chỉ tay về hướng voi con nổi tiếp một hồi tù và sừng trâu thứ hai ra hiệu năm con voi nhà tốp kiềm chế lao vào con voi rừng mẹ, ba con voi nhà vây con voi rừng mẹ lại, hai con còn lại tách con voi con về một bên để xa mẹ, xa đàn. Lúc này người thủ lĩnh Gru nổi tiếp một hồi tù và thứ 3, cùng lúc năm con voi nhà thuộc tốp đuổi bắt dí đầu về hướng con voi con, làm con voi rừng con sợ sệt, hoảng loạn. Lúc này, dưới sự điều khiển của đội trưởng, ba voi chiến vây hãm voi đầu đàn lại để cho các con voi khác rượt đuổi. Người quăng tròng bám sát voi con đang chạy theo voi mẹ. Voi con chạy một lúc tỏ ra mệt, loạn nhịp bước. Đoàn săn cố làm sao tách được voi mẹ chạy theo đường khác bằng voi phụ trợ, còn voi chính sẽ đuổi theo voi con, dùng dây tròng móc lấy chân sau của voi con. Khi móc được rồi để cho voi con chạy thêm ít bước nữa, lựa một cây to nào đó trên đường chạy, nhanh chóng quăng dây cột lại, voi con chạy vòng quanh theo thân cây như tự trói mình tại chỗ.

Một con voi được thuần dưỡng để làm việc

Các con voi rừng to chạy loạn, voi con chạy theo không kịp nên bị lạc đàn, bị voi thợ chặn lại. Ngay lúc ấy, thợ săn nhanh tay quăng dây brắt bung xuống đất, chờ khi nào voi con đạp chân sau vào vòng dây bung thì giật mạnh, voi con sẽ bị buộc chặt nơi chân sau. Nhờ sợi dây dài nên voi rừng càng chạy càng bị vướng và tự trói mình vào những gốc cây sau khi bị đuổi bắt kiệt sức[17]. Người thợ chính khi thấy nó đã mệt, quan sát thấy cái chân trái đã yếu không thể trụ được liền quăng sợi dây thòng lọng vào chân đó. Khi đã buộc được vào chân trái voi rừng con, người thợ phụ như sóc nhảy xuống đất thật nhanh tìm gốc cây lớn gần đó buộc sợi dây thành một vòng tròn. Con voi con sợ sệt chạy ra xa thì càng bị buộc chặt vào chân, khi thấy voi con đã mệt không thể kháng cự liền dùng những con voi nhà to khỏe áp giải con voi con trở về.

Đến đây coi như cuộc đi săn đã kết thúc. Họ thổi tù và báo cho mọi thành viên trong đoàn biết cuộc đi săn đã thành công tốt đẹp. Mỗi khi bắt được voi rừng về, mọi người chưa đưa ngay về buôn làng mà chỉ cử người về báo tin vui (hoặc thổi tù và sừng trâu báo hiệu người làng cũng biết là bắt được voi rừng). Voi con được đưa về khu rừng cạnh buôn, nơi có bãi cỏ, ven suối và có cây vừa che mát, vừa để buộc voi khi tập. Ta có thể gọi nơi đó là bãi thuần dưỡng (Ntuk rđăp rveh). Nếu đoàn săn không thành công hoặc có người thiệt mạng người ta đánh vào trống da trâu dày, âm thanh phát ra chát tai báo hiệu chuyến săn bất thành. Theo luật tục trong một chuyến săn, phải bắt được ba con voi con rừng, nếu bắt được hai con thì phải thả lại một con vì đó là dấu hiệu không may mắn. Khi trong gia đình có người săn voi, người nhà cắm 2 nhành cây tươi trước cửa nhà, không tiếp khách vì sợ luồng gió lạ không đem đến may mắn.

Theo tường thuật của Blazé khi tháp tùng vua Bảo ĐạiLa Ngà thì cuộc săn bắt đầu khi thợ săn cưỡi đoàn voi nhà ùa vào đàn voi rừng ngược hướng gió để khỏi bị phát giác. Voi nhà thì chia thành ba loại. Đầu cùng là voi dìu (tiếng Anh:beater); kế đến là voi thúc (fighter) và sau cùng là voi săn (captor). Mỗi con voi nhà có nài cưỡi voi ngồi ở đầu voi điều khiển và một người phó ở cổ voi. Thợ săn chính thì cầm một cần dài khoảng 3 mét, đầu cần mắc thòng lọng nối với đoạn thừng dài 20-30 mét. Khi voi rừng bỏ chạy thì voi dìu được điều khiển tiến vào để voi rừng bớt hoảng sợ. Voi dìu không cần voi lớn, chỉ cần nhanh chân để chạy len vào và trấn an nhóm voi rừng. Nếu voi rừng chạy loạn vào bờ bụi rừng sâu thì sẽ dùng voi dìu đẩy theo hướng đồng trống có chực sẵn voi săn.

Kế đến điều voi săn tiến vào dùng đầu ghì lấy hông voi rừng trong khi người thợ lấy cần dài móc thòng lọng vào chân sau của voi. Người phó trên lưng voi săn sau đó thả lỏng hoặc kéo chặt thừng để sao thừng không bị rối. Voi rừng khi bị thòng lọng ở chân thì dần chậm lại rồi bị đưa đến một gốc cây lớn. Người thợ phó liền nhảy xuống đất và mau chân cầm cuộn thừng chạy quanh gốc cây buộc voi rừng vào đấy. Voi thúc, tức những con voi lớn nhất lúc này mới tiến vào cản voi rừng không tấn công người buộc thừng vào gốc cây.[18] Đoàn người sau đó sẽ buộc cổ voi rừng bằng một vòng thừng. Vòng này lại buộc với vòng cổ của voi nhà khiến hai co không rời nhau được. Voi rừng sau đó được đưa về trại buộc, vòng cổ buộc vào một cành cao và voi bị bỏ đói, không cho ăn uống 24 giờ. Voi rừng sẽ cố bứt thừng thoát ra nhưng càng vùng vẫy, càng lả sức. Người luyện sẽ cho voi ăn nếu voi không còn hung dữ nhưng nếu còn đập phá thì sẽ bỏ đói thêm. Khi voi chịu cho đến gần thì người luyện voi sẽ đặt tên cho voi rồi lặp đi lặp lại với mỗi hành động và mệnh lệnh. Khi dạy voi đi lại, tắm rửa thì người luyện cưỡi một con voi cái đi kèm.[19]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Săn voi http://vi.rfi.fr/tong-hop/20120103-nan-san-giet-vo... http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/chuyen-la/cu... http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/chuyen-la/th... http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/do-ng-va-t-q... http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/moi-truong/v... http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/thuc-khach-t... http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/voi-4-tan-bi... http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/voi-trung-te... http://dantri.com.vn/xa-hoi/mot-chuyen-san-voi-cua... http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_khoahoc/_...